Quá trình nhận thức của trẻ và kinh nghiệm dạy Vừng (P1)
Hôm qua vừa giải quyết được 1 việc nhẹ cả đầu nên mình dành thời gian chia sẻ với các mẹ về những kiến thức và kinh nghiệm của mình trong quá trình dạy Vừng (hiện 4 tuổi 4 tháng). Những kinh nghiệm này đúc kết từ việc mình đọc các nghiên cứu, bình luận về tâm lý học, về phát triển bộ não, phát triển nhận thức và sự nhạy cảm của một người mẹ, nên là quan điểm cá nhân, chia sẻ để mọi người cùng tham khảo.
Từ những quan điểm trên, cách mà nhà mình áp dụng để dạy Vừng như sau (đầu tiên là dạy ngôn ngữ, tiếng Anh):
Phần I. TRẺ HỌC TIẾNG ANH KHÔNG KHÓ
Tiếng Anh theo quan điểm của nhà mình là một công cụ (công cụ rất quan trọng) để tiếp cận tri thức. Học ngôn ngữ của trẻ là điều hết sức tự nhiên, bất kỳ đứa trẻ nào, dù tính cách hay mức độ thông minh ra sao đều có thể học các thứ tiếng khác nhau, giống như bất kỳ trẻ con nào ở Việt Nam, nếu không có khiếm khuyết về nghe, nói thì đều nói được tiếng Việt. Những nước Bắc Âu như Phần Lan, Thủy Điển…, người dân nói được 2-3 thứ tiếng là việc hết sức bình thường. Điều quan trọng là phải tạo môi trường nhất quán để trẻ học ngôn ngữ, mà cụ thể nhà mình hướng tới trong 6 năm đầu của Vừng là Tiếng Anh (tiếng Việt thì dạy quá đơn giản rồi).
Việc tạo môi trường này không quá khó trong thời buổi công nghệ hiện nay. Bạn hãy tạo một kênh nhất quán mà trẻ phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Ví dụ trong số những người chăm trẻ mà trẻ phải giao tiếp hàng ngày (ví dụ bố, mẹ, ông, bà, cô giáo..) thì có 1 người luôn nói tiếng Anh với trẻ. Điều này chỉ phù hợp cho những gia đình mà có bố/ mẹ là người nước ngoài (hoặc rất giỏi tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ), hoặc trẻ học ở trường song ngữ.
Tuy nhiên, có một cách đơn giản và không tốn kém có thể áp dụng cho các gia đình “thuần tiếng Việt”, ví dụ nhà mình không ai đạt trình độ tiếng Anh như mẹ đẻ (nên ko dám dạy), không đủ kinh tế cho con học trường quốc tế, thuê giáo viên nước ngoài… Và đặc biệt, cách này vừa kết hợp dạy ngôn ngữ, vừa dạy tri thức cho bé nhà mình. Đó là sử dụng các ứng dụng, video clip ĐƯỢC CHỌN LỌC và CÓ KIỂM SOÁT trên SMARTPHONE, YOUTUBE. Và mọi ngôn ngữ khi Vừng chơi, xem trên smartphone, youtube PHẢI là TIẾNG ANH và theo nguyên tắc:
- Ứng dụng, video có hình ảnh/âm thanh CÓ CHỮ KÈM THEO, KHÔNG QUÁ NHANH để trẻ có thể theo kịp (ví dụ tiết tấu như Tom & Jerry là nhanh, có hại);
- Khi chơi, xem thì hướng dẫn cho trẻ XEM ĐI, XEM LẠI nhiều lần để trẻ có thể hấp thụ được. Ví dụ Vừng khi nghe 1 bài hát, nghe được 1 đoạn Vừng lại tua từ đầu để nghe lại. Cách học như vậy là đúng đắn;
- Nên lựa chọn các ứng dụng, bài hát có TÍNH HỆ THỐNG, ví dụ bài hát về các hành tinh trong hệ mặt trời, bài hát về các mùa trong năm, bài hát về các nước trên thế giới…để trẻ có thể tiếp cận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau và thấy được sự liên kết.
- TUYỆT ĐỐI KHÔNG để trẻ xem các video vô bổ (ví dụ phim hoạt hình siêu nhân, tom & jerry..) vì trẻ rất dễ bị cuốn hút vào các video kiểu vậy, khi đó, rất khó định hướng lại sở thích cho trẻ tới các VIDEO GIÁO DỤC;
- Ưu tiên dùng ứng dụng hơn là video. Xem là thụ động, khi trẻ chơi game, sử dụng ứng dụng thì trẻ có sự tương tác.
- Sử dụng smartphone, internet CÓ KIỂM SOÁT THỜI GIAN. Ban đầu có thể 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần 1-2 tiếng mỗi ngày khi trẻ 4 tuổi. Bố mẹ nên cài AppLock để trẻ không thể sử dụng quá nhiều, sẽ trở nên mất kiểm soát và nguy hiểm.
Theo tiến trình học ngôn ngữ mà mình nghiên cứu, ban đầu trẻ sẽ học “âm vị” (phonic), tức là phân biệt được phát âm của từ, của các ngôn ngữ khác nhau. Sau đó, là học nhớ từ (sight word), rồi đến các câu (phase, sentence) phức tạp hơn.
Video là đoạn Vừng có thể nghe và hát lại bài Việt Nam của Kid Learning Tube
Nguồn: Fb chị Nguyễn Thị Lệ Quyên