Con ngồi xe ôm bị…ôm ẩu
Câu chuyện bên dưới là hồi chuông cảnh tỉnh mà Tiên Đông muốn gửi gắm tới các bậc cha mẹ đang bộn bề trong công việc và không có nhiều thời gian dành cho con. Hi vọng những lời khuyên bổ ích từ Bs. Nguyễn Lan Hải sẽ giúp các bậc cha mẹ trong việc dạy con và bảo vệ con an toàn 💪💪
DÀNH CHO CHA MẸ
CON NGỒI XE ÔM BỊ… ÔM ẨU 😢😱😱
Thỉnh thoảng bận công việc đột xuất, vợ chồng em thuê chú xe ôm quen đón con từ trường về nhà. Con gái em học lớp 7 về mách mẹ: hôm nọ đang đi trời bỗng đổ mưa, chú xe ôm bảo con lên phía trước ngồi để 2 người che chung áo mưa khỏi ướt. Khi áo mưa đã trùm kín người, chú vòng tay quanh bụng con, kéo sát vào người mình để “giữ cháu cho chặt kẻo té”, lát sau lại kiếm cớ sờ đầu gối và đùi của con coi có bị hở ra không, có lúc còn làm bộ nghe không rõ để kê miệng nói như thổi vào tai con… Con rất ghét và sợ nhưng không biết làm sao, đành trân người chịu trận cho đến khi tới nhà.
Em phải dạy con thế nào để tránh gặp chuyện này thêm lần nữa?
(Nguyễn Thị Tường V. – Quận 3, Sài Gòn).
Trước hết cha mẹ cần trang bị cho con chiếc áo mưa loại tốt, có mũ trùm, tay cánh dơi gọn gàng, màu “nổi” (đỏ, vàng hoặc da cam) để người đi đường nhìn thấy ngay dù trong cơn mưa giông hoặc tối trời mà tránh va quệt. Như vậy con sẽ chủ động mỗi khi mưa gió, không phải dùng chung áo mưa với ai và không bị rơi vào tình cảnh bất đắc dĩ phải ngồi lọt thỏm trong lòng ai!
Con cần “thủ” vài bí kíp để trở thành “nữ sinh thân thiện” mỗi khi dùng “phương tiện giao thông quốc dân” này, sao cho vừa tiện lợi vừa an toàn:
☘️ Chuẩn bị kêu xe:
Nên có sẵn tiền lẻ để đỡ lúng túng khi thanh toán. Đưa tiền chẵn, mệnh giá lớn nhiều khi tài xế không đủ tiền trả lại.
Nếu đặt xe ôm công nghệ (Grab) thì khỏi lo lắng về giá cả và thông tin của người cung cấp dịch vụ (biển số xe, lộ trình di chuyển).
Nếu bắt xe ôm truyền thống, con phải nói rõ điểm đến cũng như thống nhất giá tiền, nhớ hỏi lại cho rõ ràng để tránh trường hợp bị “hét giá” trên trời! (đã có bác tài vui tính giơ 2 ngón tay lên rồi xòe bàn tay 5 ngón ra, mình cười cười gật gật tưởng 25 ngàn, ai dè lúc xuống xe bác lạnh lùng tuyên bố 2×5 = 10, đòi đủ một trăm ngàn mới “bước qua xác tui” mà về!).
Trước khi lên xe người khác chở, con nên hỏi tên tài xế, biển số xe, gọi điện thông báo cho gia đình biết, chẳng hạn: “Con đang đi xe của bác tài tên Tuấn, biển số xe là…, bác bắt đầu chở con từ đường…, khoảng nửa giờ nữa con đến nơi”.
Nếu không có điện thoại, con nhờ tài xế gọi báo cho gia đình hoặc nói với lái xe: “Cháu đã báo nhà cháu là đi với chú và khoảng 30 phút nữa thì về”. Nếu chưa yên tâm, con nói với người quanh đấy (người bán hàng, người ngồi trong cửa tiệm, tài xế xe ôm khác): “Cháu tên là…, nếu người nhà cháu đến hỏi, bác/chú/dì/anh/chị vui lòng nhắn rằng cháu đã lên xe chú…, lúc… giờ ạ, cháu xin cảm ơn”.
Quý vị tin không, hầu hết những trường hợp ngăn chặn được tình huống xấu là nhờ chiêu cảnh báo “rung cây dọa khỉ” này.🤓
Khi bị tài xế xe ôm đề nghị ngồi phía trước (trời mưa, xe chở ba), con hãy mạnh dạn từ chối: “Nhà cháu dặn không được ngồi trong lòng người khác, dù người quen hay người lạ”. Nếu họ vẫn cố thuyết phục, cần tỏ rõ thái độ không đồng ý: “Bác dừng lại cho cháu xuống xe ngay lập tức”.
☘️ Trong khi đi:
Giữ khoảng cách an toàn với tài xế và với người đi đường: Đặt túi xách/ balô giữa con và tài xế, tránh tình huống xe thắng gấp bị áp cả người mình vào lưng họ, nhất là đề phòng bị giật đồ.
Đeo khẩu trang để vừa ngăn bụi vừa ngăn… mùi khi trò chuyện với người ngồi trước.😉
Ngồi ngay ngắn, gọn gàng, để chân lên đồ gác chân tránh vướng víu khi kẹt xe hay lưu thông ở đoạn đường chật hoặc luồn lách vào các con hẻm nhỏ.
☘️ Tới điểm đến:
Xuống xe, đứng nép bên đường, đưa tiền từng tờ, đếm trước mặt cho tài xế thấy rõ. Đưa “một cục” nếu gặp phải người xấu tính sẽ cãi chưa đưa đủ tiền (đã có trường hợp đánh tráo tờ 500 thành tờ 20 ngàn đồng).
Nhớ cảm ơn tài xế đã chở con.🙂
Ở trường hợp trên, đứng trước “chuyện đã rồi”, bé vẫn có thể cương quyết chấm dứt bị động chạm bằng cách nói to, rõ ràng: “Cháu không thích, chú bỏ tay ra khỏi người cháu”, “Chú dừng xe ngay bây giờ cho cháu xuống trú mưa”. Nói “không” dứt khoát chứ đừng nhỏ nhẹ, lễ phép vì như thế, kẻ xấu thấy con “yếu xìu” sẽ càng lấn tới.
Khi đã xuống xe, nếu có điện thoại hãy nhắn tin, gọi điện cho ba mẹ biết tình hình của mình để nhờ can thiệp.
Đừng quên nguyên tắc “No – Go – Tell” (Từ chối – Bỏ chạy – Kể lại).
Nguồn :Bs Nguyễn Lan Hải.
Bài đăng trên tuần san “Công giáo & Dân tộc”.
Hình minh họa: “Some touches never leave”☹️😢 (Có những vết hằn không bao giờ biến mất).